Lịch sử của quốc gia luôn trường tồn. Lịch sử của dân tộc luôn vĩ đại. Lịch sử của trường Đảng mang tên Bác luôn là điểm tựa, là niềm tin, niềm tự hào, là thước đo, kim chỉ nam để mỗi đảng viên góp sức mình vì Học viện Chính trị Khu vực III. 75 năm, mốc son để chúng ta đồng vọng về một niềm tin mới, một tư duy mới, một kế hoạch mới, một tương lai mới; tạo ra bước chuyển trong nhịp phát triển của thời đại.
1. Trong quá trình hình thành và phát triển, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống chính trị – xã hội, trường Đảng thực sự đã có những nét văn hóa riêng tạo nên “Văn hóa trường Đảng”. Những nét văn hóa đó hình thành trên nền tảng văn hóa của dân tộc Việt Nam, trên nền tảng tư tưởng của Đảng, hòa quyện cùng bối cảnh lịch sử, kinh tế – xã hội của từng giai đoạn cách mạng và chức trách nhiệm vụ mà Đảng giao phó.
Văn hóa trường Đảng là những giá trị tư tưởng, những giá trị lý luận và thực tiễn mà mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức được trong “môi trường Đảng”. Văn hóa trường Đảng là một môi trường văn hóa mang tính Đảng sâu sắc – mà cụ thể, đó chính là toàn bộ kiến thức, tri thức, kinh nghiệm mà đội ngũ cán bộ, giảng viên đã nghiên cứu, tổng kết, và truyền đạt cho các thế hệ học viên. Văn hóa trường Đảng là lòng trung thành; là sự mẫu mực trong cách ứng xử, trong các mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa đồng chí, đồng nghiệp, giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên Học viện. Văn hóa trường Đảng là những tấm gương về tư tưởng, đạo đức, tác phong mà mỗi cán bộ, đảng viên cảm nhận được, học tập được, rèn luyện và thực hành được trong trường Đảng. Văn hóa trường Đảng là biểu hiện cụ thể của văn hóa Đảng, được trau dồi, rèn luyện toàn diện tại trường Đảng cao cấp. Những giá trị văn hóa này mang đậm tính Đảng, khi thẩm thấu vào mỗi cán bộ đảng viên, giảng viên sẽ có tính lan tỏa, lan tỏa trước tiên trong môi trường nhà trường, từ đó lan tỏa đến các cơ quan đơn vị trong Hệ thống trường Đảng chính là thiết chế đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, bảo lưu, vun đắp, và chuyển giao các giá trị văn hóa Đảng. Khác với trường học thông thường, hệ thống trường Đảng các cấp cung cấp cho cá nhân đầy đủ nhất những bản sắc của văn hóa Đảng, mà tựu trung, đó là cái đẹp, cái cao quý, cái giá trị của Đảng ta; thể hiện/ khắc họa trong nội dung giảng dạy toàn diện và có chiều sâu, nên có khả năng ảnh hưởng/ tác động tích cực hơn trong tâm thức mỗi đảng viên, giảng viên về văn hóa chính trị của Đảng; tạo động lực khiến mỗi cá nhân được hấp dẫn và tự giác chấp nhận các giá trị, niềm tin, và chuẩn mực chính trị. Cũng vì thế, văn hóa Đảng chính là yếu tố sâu xa bậc nhất để có thể thu hút sự ủng hộ của người dân với các chủ trương chính trị, tầm nhìn lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước.
hệ thống chính trị, và trong toàn xã hội.
2. Kiến tạo, định vị văn hóa trường Đảng trong giai đoạn mới
Thứ nhất, xác lập triết lý văn hóa trường Đảng
Triết lý, phương châm hành động là điểm xuất phát, căn cốt đầu tiên để xây dựng, phát triển Học viện Chính trị Khu vực III hiện nay. Một vấn đề vô cùng quan trọng đối với người lãnh đạo tổ chức là làm sao xây dựng được triết lý với hai yếu tố:
i) vừa phải đúng đắn, tạo lực hướng tâm, làm cơ sở cho các quyết định khi điều hành tập thể.
ii) vừa tạo nên sự tín nhiệm, đồng thuận và kính trọng từ phía cấp dưới.
Vậy triết lý văn hóa trường Đảng là gì? Chúng tôi suy nghĩ đơn giản rằng, đó là: “Sống bằng chính mình, làm điều đúng đắn một cách đúng đắn theo đúng nghĩa con người”; cân nhắc xem “Cái gì làm thì tốt, cái gì làm thì xấu”. Làm việcmột cách chính trực; tuyệt đối không dối trá; không lừa lọc; giữ cách sống chân thành; dù có gặp khó cũng không làm việc hèn mà có can đảm để vượt qua gian nan; tôn trọng chính nghĩa; lấy công bằng làm trọng; luôn nỗ lực rèn luyện tính khiêm nhường, nỗ lực không thua kém ai; không nói thậm chí nghĩ trong lòng những lời bất bình, bất mãn hay lời than thở (ghen tị và hận thù) làm hạ thấp phẩm giá con người; kiềm chế tức giận; trong công việc dù theo đuổi thành tích cũng biết đến đâu là đủ, không quá ham hố; không dùng tiêu chuẩn suy xét chỉ dựa trên thiệt hay lợi mà suy xét trên cơ sở đạo lý… Triết lý văn hóa trường Đảng chỉ thực sự được xác lập khi mỗi cán bộ giảng viên thấm đẫm những giá trị đạo đức phổ quát; tôn trọng những quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ những chuẩn mực giảng viên Học viện III.
Triết lý văn hóa trường Đảng, không chỉ kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa Học viện III trong 75 năm qua, mà còntiếp tục hình thành/xây dựng/ tạo dựng/ định vị những giá trị của Học viện trong thời kỳ mới. Điều này sẽ tạo động lực khiến mỗi đảng viên giảng viên tự giác chấp nhận các giá trị, niềm tin, và chuẩn mực cơ quan đơn vị. Nhờ đó, văn hóa trường Đảng có thể điều chỉnh được nhận thức và hành vi chính trị của cá nhân theo định hướng chính trị mà trường Đảng mong muốn.
Thứ hai, đối với đội ngũ cán bộ đảng viên, giảng viên Học viện III
+ Phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, phải “có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt”
Giảng viên Học viện III là những người trực tiếp “truyền bá” nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, đến người học, giúp họ vận dụng sáng tạo để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, đơn vị. Từ học viên, quan điểm, tư tưởng của Đảng sẽ tiếp tục lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội. Vì thế, giảng viên phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, phải có “tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ”. Điều đó có nghĩa, giảng viên Học viện III phải có niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, nhận thức rõ tính sáng tạo, tính khoa học, cách mạng và tính nhân văn trong di sản vô giá của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh. Với niềm tin và tình cảm đặc biệt, giảng viên Học viện III mới thực sự hóa thân vào từng bài giảng để hoàn toàn cảm hóa được người học. Hay nói cách khác, muốn thuyết phục được người học, bản thân mỗi giảng viên phải hoàn toàn bị thuyết phục trước điều mình giảng. Do đó, quá trình giảng dạy không chỉ là quá trình cung cấp kiến thức mà hơn thế nữa còn là quá trình tạo ra sự đồng điệu về tình cảm và tâm hồn giữa giảng viên với học viên trước những giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức của các nhà kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin, và Hồ Chí Minh.
+ Phải “kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”
Giảng viên đảng viên Học viện III phải say mê nghiên cứu khoa học, luôn tìm tòi và kiến giải những nội dung mới để bổ sung cho bài giảng. Biết đặt những vấn đề của đất nước vào trong đời sống tinh thần của mình; biết gắn mình với sinh mệnh của đất nước; biết đem “nhốt” vào trong đời sống tinh thần của mình những vấn đề sống còn của đất nước mà suy nghĩ.
Giảng viên đồng thời phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm từ giấy, bút, điện, nước đến thời gian, tiền bạc, đặc biệt về thời gian làm việc. Chú ý bố trí thời gian hợp lý cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động, không được đi muộn về sớm. Cần phải hiểu rằng: “Giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng”
Kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống lại những biểu hiện tham nhũng, hối lộ. Trên thực tế, có học viên chạy theo bằng cấp, muốn được điểm cao trong khi không nỗ lực phấn đấu. Nếu giảng viên không trong sáng, mà chạy theo đồng tiền hoặc những lợi ích vật chất tầm thường để “phóng điểm” cho học viên thì đó cũng chính là những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài…, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Mỗi giảng viên phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái đó.
Hơn thế nữa, cán bộ, giảng viên tại Học viện III phải có “tác phong dân chủ”, gương mẫu để xây dựng bầu không khí dân chủ và nhân văn trong nhà trường. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, thầy trò “không phải cá đối bằng đầu”. Thực tế, rất nhiều người học có tuổi đời, chức vụ lớn hơn giảng viên, nhưng người giảng viên phải luôn giữ đúng vị thế, tư cách người thầy từ trên bục giảng đến các mối quan hệ thường nhật.
Đối với đồng nghiệp, phải thật thà đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cả về chuyên môn và trong cuộc sống. Người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu phải luôn chủ động và sẵn sàng trao đổi với tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để họ được nghiên cứu, học tập và giảng dạy; tránh thái độ kiêu ngạo và xem thường đồng nghiệp. Tất cả để tạo ra một môi trường làm việc dân chủ, nhân văn, khuyến khích, động viên được mỗi cá nhân yêu nghề mình, yêu trường mình, tận tụy với công việc.
+ Phải tinh thông chuyên môn, vững vàng nghiệp vụ. Tránh dạy theo lối nhồi nhét, việc cốt yếu là làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Phải biết cách truyền đạt: nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực, có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được; tránh dùng danh từ lạ, từ nước ngoài ít người hiểu, tránh nói ra ngoài lề, lắp đi, lắp lại làm cho người học khó lĩnh hội được kiến thức. Sử dụng các thiết bị nghe nhìn nhưng không được tuyệt đối hóa mặt kỹ thuật mà xem nhẹ, thậm chí phủ nhận phương pháp thuyết trình. Bởi vì, đối với việc giảng dạy lý luận, tư tưởng chính trị thì chiều sâu của sự phân tích khoa học và tính tư tưởng của bài giảng là cực kỳ quan trọng. Nó chỉ có thể đạt được thông qua thuyết trình, diễn giảng của người giảng viên Học viện III bằng sự điêu luyện và chắt lọc của ngôn từ. Bài giảng lý luận chính trị phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Nội dung bài giảng cần tập trung vào những giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. phải gắn với thực tiễn phong phú, sinh động. Tuy nhiên, việc liên hệ thực tiễn cần phải có chọn lọc, chỉ sử dụng những dẫn chứng điển hình để phân tích một cách toàn diện. Để làm được như vậy đòi hỏi mỗi giảng viên phải tinh thông về chuyên môn (cả lý luận và thực tiễn), vững vàng về nghiệp vụ để tránh tình trạng “hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như “chuồn chuồn đạp nước”, dạy không chu đáo. Mỗi giảng viên không chỉ học ở sách vở mà còn phải học ở đồng nghiệp, đặc biệt là ở những người có kinh nghiệm giảng dạy, có chuyên môn sâu; học ở thực tế, phải tiếp thu phê bình, rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao kiến thức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Phải luôn luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên luôn đề cao danh dự trong công việc; thậm chí cần tuyên bố cam kết sẽ làm việc liêm chính, bảo vệ danh dự của bản thân, tổ chức và cả hệ thống khi nhận quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng vào vị trí quản lý, vào đơn vị công tác. Bởi lẽ, với mỗi người, danh dự như chiếc la bàn, giúp chúng ta xác định được hành vi nào là đúng đắn trong cuộc sống riêng tư cũng như khi hành xử với người khác. Giảng viên, cán bộ lãnh đạo khi coi trọng danh dự sẽ tạo ra sợi dây ràng buộc giữa hành động của họ với trách nhiệm, bổn phận và vị trí đảm nhiệm.
Xây dựng văn hóa trường Đảng; quyết tâm tạo dựng bản sắc văn hóa Học viện Chính trị Khu vực III là một trong những giải pháp hướng đích quan trọng để chúng ta xây dựng, phát triển Học viện III trong sạch, vững mạnh. Quan trọng hơn, đó chính là sự tiếp nối và nâng cao những giá trị cốt lõi, nhân văn của các thế hệ cha anh dày công tôn bồi trong 75 năm qua. Thế hệ hôm nay, những người lãnh sứ mệnh thời đại, cầm bó đuốc của truyền thống, bền bỉ chạy tiếp sức để sáng mãi giá trị văn hóa trường Đảng, nơi kết tinh biểu tượng:
TRÍ TUỆ – ĐẠO ĐỨC – VĂN MINH.