Vài cảm nghĩ về một người chú
Tôi về công tác ở Trường Nguyễn Ái Quốc III, nay là Học viện Chính trị Khu vực III, từ tháng 4/1984. Lúc bấy giờ, Trường Nguyễn Ái Quốc III thành lập Khoa Quản lý nhà nước và pháp luật, có 5 người mà tôi thường xưng hô chú, anh, chị. Họ là những người vốn làm việc ở các bộ phận không liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Khoa mới này. Có lẽ vì thế mà tôi – sinh viên của Khoa Luật thuộc Đại học tổng hợp Hà Nội (sau này hợp nhất với Trường Cao đẳng pháp lý thành Đại học pháp lý Hà Nội) – được Trường Nguyễn Ái Quốc III tuyển dụng bổ sung.
Trước khi vào nhận công tác ở đây, tôi đã đắn đo khá nhiều vì sợ mình không phù hợp với môi trường của trường Đảng. Bạn bè nghe tin tôi về đơn vị công tác này cũng không khỏi ngạc nhiên vì sự lựa chọn của tôi, có đứa còn nói phỏng đoán: sớm hay muộn gì tôi cũng sẽ xin rút thôi. Ấy vậy mà sau những tiếp xúc, sự ân cần và chăm lo trong điều kiện có thể của nhà trường và đồng nghiệp, tôi đã đi qua những ngỡ ngàng và áp lực ban đầu ở nơi mà chính mình cũng không chắc có thể hội nhập. Một trong số những người đã giúp tôi có được sự tự tin hoà nhập với cộng đồng và hỗ trợ tôi trưởng thành về sau là PGS Lê Văn Khả, một trong hai Phó Giám đốc của Trường. Từ lúc biết cho đến lúc chia tay Phó Giám đốc Lê Văn Khả nghỉ hưu ở quê hương (Thành phố Tuy Hoà, Phú Yên) cũng như lúc tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng, tôi luôn gọi ông là chú. Vì thế, tôi cũng sẽ viết về ông bằng đại từ nhân xưng đó.
Chú Khả có vóc người thấp đậm, phong thái chậm rãi từ đi lại cho đến ăn nói. Chú là mẫu người hướng nội, ít nói, nói chậm rãi, không thật cởi mở lúc mới tiếp xúc nhưng có cảm giác tin cậy. Chú sống một mình. Nghe nói vợ cũ và con gái ở quê nhưng từ khi tập kết ra miền Bắc và khi trở về, vì lý do gì đó, chú cũng không chung sống. Khác với mấy anh em trẻ chúng tôi ăn cơm bếp tập thể, chú Khả tự nấu ăn. Cái bếp dầu cũ loang lổ, vài ba cái chai lọ mắm muối không được lau chùi, cái chổi cùn cùng toạ lạc trong căn phòng 15m2, cạnh giá sách của chú. Chú có tiêu chuẩn thực phẩm (thịt, cá, mắm, đường) của cán bộ cao cấp nhưng nấu ăn rất vụng. Cả ký thịt mỡ nhiều hơn nạc thường được chú cắt làm 7,8 miếng, cho vào nồi nhôm, đổ nước mắm, muối lên rồi nấu nhừ. Cơm xới ra tô lớn, gắp mấy miền thịt, con cá rồi ăn một mình thui thủi. Anh em bọn tôi thỉnh thoảng vẫn được chú cho ít thịt, cá nhưng rất khó rủ chú ăn chung cho vui. Thậm chí, có lúc nào đó không thể từ chối mà buộc phải nhận lời mời của chúng tôi, kiểu gì sau đó, chú cũng mời lại dưới một hình thức khác. Thấy chú lủi thủi, lại vụng nấu ăn, tôi thường giúp chú chế biến theo cách mà tôi từng học bà nội tôi. Chú ăn, thấy ngon và cứ thế, khoán cho tôi mỗi khi cuối tháng nhận thực phẩm tiêu chuẩn dưới quản lý nhà ăn (hồi đó còn chế độ tem phiếu). Và dĩ nhiên, chú lại không quên chia cho chúng tôi một ít trong đó. Thỉnh thoảng, chú đùa: tụi bay thương tao hay thương thương đồ ăn tao, rồi nở nụ cười hiếm hoi nhưng ấm áp.
Với tôi, chú Khả là người luôn góp ý, động viên, khích lệ tôi trong những chuyện mà lúc đó, tôi không thật chú ý hoặc thiếu tự tin. Hồi mới về Trường, tôi vẫn giữ cơ bản phong cách của một sinh viên trong một môi trường hoàn toàn khác với trường đại học. Một số người nhìn và bình luận không thật thiện cảm. Tôi biết nhưng không muốn thay đổi. Chú khuyên tôi: bản chất tốt thì cứ giữ nhưng phong cách thì có thể điều chỉnh cho phù hợp môi trường vì cháu còn sống và làm việc lâu dài. Tôi ngẫm ngợi và thấy cần phải thế nên điều chỉnh dần, Thế là ổn. Khi tôi có lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự dù mới về Trường được 1 năm, biết tôi đang có chút vấn đề tâm lý, chú chia sẻ tâm trạng, động viên tôi nhận nhiệm vụ mới. Trước ngày nhập ngũ, chú mời ăn cơm chia tay, vui vẻ trong ánh mắt khích lệ. Chú còn bắt tôi hứa là sẽ trở về Trường sau khi kết thúc nghĩa vụ. Và tôi đã trở lại như đã hứa với chú với hành trang được kết nạp Đảng trong quân đội. Lúc về lại Trường (tháng 8/1988), tôi được bầu làm Bí thư Đoàn trường và lại tiếp tục công việc để có thể lên lớp vì trước khi nhập ngũ, tôi chưa kịp làm được điều này. Giữa bộn bề công việc, chú lại động viên tôi tranh thủ học một khoá Đào tạo tập trung về lý luận chính trị tại trường (sau này là hệ Cao cấp lý luận chính trị). Vậy là tôi phải vừa học, vừa làm những công việc chuyên môn và đoàn thể. Đến khi tôi được lên lớp theo quy định, tôi từ chối giảng giảng các lớp Đào tạo trong khoá mà mình đang theo học vì nghĩ như vậy là bất tiện. Tuy nhiên, chú Khả lại chỉ đạo là tôi chỉ không giảng lớp mà mình đang học, còn các lớp khác thì phải giảng. Có lẽ vì thế mà tôi khá nhanh chóng trở thành giảng viên – một công việc không đơn giản với một thanh niên mới 27 tuổi. Nhờ đó, sau 2 năm, tôi đã có thêm một tấm bằng lý luận chính trị và trở thành một giảng viên chính thức.
Một thời gian sau, chú lại gọi tôi lên phòng làm việc và động viên tôi làm nghiên cứu sinh. Tôi biết ý chú muốn ưu tiên và giúp tôi tiên bộ nhưng lần này tôi từ chối, Lý do đơn giản là lúc đó, chưa có nghiên cứu sinh chuyên ngành Nhà nước và pháp luật, chỉ có các chuyên ngành triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị, lịch sử Đảng… Mặc dù chú Khả phân tích cho tôi là những chuyên ngành đó cũng phục vụ cho chuyên môn, nếu đợi có chuyên ngành phù hợp thì biết bao giờ nhưng tôi vẫn xin lỗi chú vì không chấp nhận. Đấy là lần duy nhất tôi thấy chú có vẻ không vừa lòng nhưng tôi tin chú hiểu tôi đúng. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà phải đến cuối năm 1995, tôi mới thực hiện được mong muốn của mình. Lúc đó, chú Khả đã có 1 căn nhà nho nhỏ dưng trên mảnh đất Trường cấp cho. Chú vẫn lủi thủi một mình, tự phục vụ như thường lệ. Đồ đạc trong nhà quá đơn sơ, thậm chí, tuềnh toàng như thủa nào. Thính thoảng, khi từ Hà Nội về, tôi đến thăm chú, chú cháu nói chuyện, uống ly nước trà. Mắt chú vẫn đượm buồn như có điều gì là thân phận.
Sau này, chú nghỉ hưu, bán nhà, về thành phố Tuy Hoà ở với con gái. Nghe nói bà thỉnh thoảng cũng đến chăm sóc chú. Rồi thời gian trôi, công việc, lo toan cá nhân cúng khiến tôi chỉ ghé thăm chú được một lần. Thấy chú yếu nhiều. Cho đến lúc nhận tin chú ra đi, tôi đại diện Ban Giám đốc vào viếng chú. Dăm ba vòng hoa, khói hương không thật đậm đặc, người viếng cũng không nhiều…Tôi đứng lặng trước di ảnh chú, thoáng hiện về tất cả kỷ niệm với chú như một cuốn phim chiếu nhanh. Tôi không thể nói nhiều về sự biết ơn với chú (mà có lẽ chú cũng chẳng cần đâu). Nhưng tôi tin tin chú hiểu được điều này: trên con đường tôi đang đi cho đến hôm nay, vẫn có bóng hình của chú: một con người sống giản dị, quên mình nhưng tận tình, nhân nghĩa với người khác và mong họ tiến bộ. Tôi không có khả năng để viết nhiều hơn, đầy đủ hơn về PGS Lê Văn Khả như ông từng sống. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng: ở Trường Nguyễn Ái Quốc III, sau này là Phân viện Đà Nẵng, và hiện nay là Học viện Chính trị Khu vực III, những ai đã biết ông, sống và làm việc với ông, sẽ không quên Ông !