Nhớ về một người Thầy của Học viện Chính trị khu vực III
1. Muốn làm phóng viên nhưng rút cuộc lại làm giảng viên
Viết những dòng này khi tuổi nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước đã cận kề mà lòng vẫn xốn xang đến nao lòng khi nghĩ về những ngày đầu chập chững bước chân vào Trường Nguyễn Ái Quốc III (nay là Học viện Chính trị khu vực III). Vậy mà ngót nghét 35 năm đã trôi qua…
Không biết có phải từ thuở ấu thơ đã bị lôi cuốn bởi hình ảnh ông nội tôi- ông giáo làng dạy chữ nho cứ sáng sáng, chiều chiều cắp chiếc ô đen đi dạy học ở làng bên hay không mà từ nhỏ, tôi đã thích cái nghề “gõ đầu trẻ” (?). Vì thế nên vào năm 1981, tôi thi vào khoa Văn, Trường Đại học sư phạm Huế, và trượt! (Không biết vì sao hồi đó thi đỗ vào bất kỳ trường Đại học nào cũng khó – không như bây giờ!). Trong bối cảnh đất nước đang trong tình cảnh “ Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc” ( Lời trong bài hát Đất nước- Phạm Minh Tuấn) nên thời đó, phần lớn thí sinh trượt đại học đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tôi cũng không phải ngoại lệ.
Xuất ngũ về lại quê hương trong bối cảnh đất nước đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội (1985) nên tìm một công việc phù hợp để sống qua ngày là điều hết sức khó khăn, chật vật. Điều lạ lùng là không hiểu vì sao chính trong thời điểm khó khăn đó, tôi lại quyết định làm hồ sơ thi Đại học lần nữa, nhưng lần này, tôi thi vào Đại học Tổng hợp Huế, ngành Ngữ văn! ( Lý do có thể là: thời đó đời sống của giáo viên rất khó khăn, thứ nữa là qua mấy năm làm chú Bộ đội cụ Hồ không hiểu sao lại rất mê làm anh phóng viên chiến trường!). Đủ điểm để trở thành sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Huế nhưng không được học ngành Ngữ văn mà là Lịch sử.
Tốt nghiệp Đại học vào năm 1990- gần hết nhiệm kỳ của Đại hội VI của Đảng- mốc son đánh dấu sự đổi mới của đất nước nhưng đến lúc này, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn hết sức khó khăn. Ưu tiên hàng đầu của hầu hết sinh viên ra trường lúc bấy giờ là có ngay việc làm, kể cả những công việc chả liên quan gì đến khối lượng kiến thức được trang bị dưới mái trường đại học!
“ Bắt phong trần, phải phong trần.
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao”
Hai câu trên trong truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du lại ứng đúng vào trường hợp của tôi! Học Đại học Tổng hợp với cái hoài bão nhỏ nhoi là sau này làm phóng viên, nhưng rút cuộc lại làm giảng viên, không làm giảng viên không được (?).
2. Lần đầu gặp Thầy Đào Ngọc Thưởng- nguyên là Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Bí thư Đảng uỷ Trường Nguyễn Ái Quốc III- những ấn tượng khó quên
Tôi đến nhà Thầy Thưởng cùng với chú Phạm Tấn Hàm- nguyên là Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật vào một tối mùa hè năm 1990. Hồi đó nhà của Thầy ở khu tập thể của Trường (hay gọi là cơ sở 1- địa điểm nằm dưới chân cầu sông Hàn, phía đông- giờ là Vincom ). Lúc đến thì chú đang ngồi uống trà, hút thuốc lá trên cái chõng tre (?) ở sân trước. Chú ôn tồn mời uống nước, nói chuyện với sự cởi mở cần thiết làm cho tôi bớt đi phần nào sự căng thẳng của một ứng viên… Chú hỏi thăm rất cặn kẽ về hoàn cảnh gia đình tôi, nhất là về bố tôi- cũng có thể là do bố tôi và chú đồng thế hệ). Khoảng cách giữa tôi- người xin việc và chú- Trưởng khoa Lịch sử Đảng, đơn vị mà tôi xin về đấy làm việc- cũng nhờ thế ngày càng thu hẹp dần. Sự tự tin của tôi ngày càng tăng lên cùng với cơn ghiền thuốc lá bắt đầu trỗi dậy, tôi mạnh dạn châm điếu thuốc trước khi có lời xin phép cáo từ.
Tiễn tôi đến tận cổng với điếu thuốc lá đang hút dở trên tay, chú tiếp tục ân cần dặn dò rồi vỗ vai tôi mà nói với ngữ điệu có phần gay gắt : “ Chú già rồi, không nói làm gì, nhưng cháu còn trẻ, bỏ thuốc lá đi!”. Tôi lặng người và lí nhí: “Dạ, cháu sẽ cố gắng”…
3. Một tấm gương về tự học và sự nghiêm khắc của một tấm lòng bao dung
Trong quá trình tôi chuẩn bị bài giảng, Thầy Đào Ngọc Thưởng rất quan tâm và hết sức chu đáo. Ngoài việc giới thiệu cho tôi một số tài liệu tham khảo, chú còn đưa cho tôi mượn cuốn giáo án của chú có liên quan đến chủ đề bài giảng mà tôi sẽ trình bày. Cuốn giáo án được viết bằng bút mực xanh, nét chữ nghiêng và rất đẹp- kiểu chữ của một thế hệ được rèn giũa rất kỹ càng. Đời tôi đã được đọc nhiều giáo án của đồng nghiệp và tự mình soạn khá nhiều giáo án, nhưng quả thực, những dòng chữ trong giáo án của chú để lại cho tôi những ấn tượng đến giờ vẫn chưa phai mờ. Những dòng viết thêm ngoài lề trang giấy, những dòng chữ bị gạch xoá và thay vào đó là những dấu chấm hỏi hoặc bằng những dòng chữ nhỏ li ti…Tất cả những điều đó cho thấy sự trăn trở, đau đáu đến tận cùng của một bậc lão thành đối với đứa con tinh thần của mình. Có lẽ đây là bài học đầu tiên mà tôi có được từ chú và nó là hành trang đầu tiên cho tôi trong những ngày chập chững với nghề giáo!
Dù đã chuẩn bị khá công phu nhưng cuốn giáo án mà tôi chuẩn bị cũng “bị” Thầy chỉnh sửa rất nhiều bằng mực đỏ mà nói như dân gian là “đỏ như con tôm”. Thực lòng lúc đó tôi hơi khó chịu, bực mình nhưng bình tâm soi xét thì thấy rằng: những điều chú góp ý trong giáo án đều đúng, từ phần Mở đầu bài giảng đến tiêu đề và nội dung của từng mục; từ văn phong đến cách sử dụng dấu chấm câu thế nào cho phù hợp; từ phần tiểu kết từng mục đến phần Kết luận bài giảng . Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh với bao nhiêu biến động của lịch sử, cũng như bao bậc tiền bối khác, Thầy Đào Ngọc Thưởng không được học hành một cách liên tục, bài bản, song với sự cầu tiến và tinh thần tự học không ngừng nghỉ, chú đã là sinh viên Trường Cán bộ Ngoại giao Ngoại thương (1962-1966) và sau đó là cán bộ giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của các cơ sở đào tạo: Trường Đại học Ngoại giao (1966-1977); Trường Nguyễn Ái Quốc IV (1977-1983) và cuối cùng là Trưởng khoa Lịch sử Đảng- Bí thư Đảng uỷ Trường Nguyễn Ái Quốc III. Có thể hơi chủ quan song không phải không có lý khi nói rằng: những tri thức, kinh nghiệm thực tiễn mà Thầy Đào Ngọc Thưởng có được là sản phẩm tất yếu từ quá trình tự học mà có! Đây cũng là điều mà tôi hết sức cảm phục và chú là một trong những tấm gương về sự tự học, học suốt đời mà tôi cảm nhận được!
Trong công tác lãnh đạo đơn vị, với trách nhiệm là Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Thầy Đào Ngọc Thưởng là người vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất nhẹ nhàng, tế nhị và bao dung. Cho đến những ngày cuối cùng ở cương vị Trưởng khoa, tôi và các đồng nghiệp trong Khoa chưa bao giờ được nghe chú rầy la với những từ ngữ nặng nề! Với những ai có sơ suất, khuyết điểm trong công tác chuyên môn hay trong sinh hoạt, bao giờ cũng nhận được từ Thầy những chỉ bảo tận tình với ánh mắt vừa nghiêm khắc, vừa bao dung của một tấm lòng nhân ái – những chỉ bảo của người Thầy và cũng như cha, chú trong một gia đình nhỏ. Cảm phục thay!
Một ấn tượng không phai mờ trong tôi về Thầy Đào Ngọc Thưởng nữa là sự chuẩn mực của một nhà giáo trong mối quan hệ với học viên, nhất là trong các buổi liên hoan. Rất thân mật, đầm ấm nhưng không bao giờ sa đà vào bất cứ chuyện gì trong buổi liên hoan đó, và đặc biệt là: bao giờ cũng làm cho học viên dù vui và thân mật đến mấy đi chăng nữa cũng phải có ý thức giữ khoảng cách rõ ràng giữa Thầy và trò! Có thể có người cho rằng như thế là thầy khó tính, nhưng theo tôi, đây là điều mà chúng ta cần phải học hỏi và thực hiện để Trường ra Trường, Thầy ra Thầy và Trò ra Trò, trước khi chúng ta nói đến điều to tát hơn là Xây dựng văn hoá Trường Đảng!
4. Thay lời kết
Tự sự trên chỉ là những hồi ức tủn mủn, rời rạc, ít nhiều chưa chuẩn xác và không thể bao quát hết khi nói đến Thầy Đào Ngọc Thưởng- một người Thầy, một bậc tiền bối đã khuất bóng của tôi và chúng ta. Rất mong gia đình của Thầy và các đồng nghiệp, đồng chí hết sức thông cảm. Tôi mượn hai câu thơ sau để kết thúc tản văn này và cũng coi như một tâm niệm trong những ngày hướng đến Kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện Chính trị khu vực III:
“ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”.
(Ba mươi năm đời ta có Đảng- Tố Hữu)