ĐI TÌM ĐỊA CHỈ ĐỎ BAN ĐẦU CỦA TRƯỜNG ĐẢNG KHU V (1961 – 1975)
MỘT TRONG NHỮNG TRƯỜNG TIỀN THÂN CỦA
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC III
Còn nhớ, cho đến năm 2000 Đảng ủy và Ban Giám đốc Phân viện Đà Nẵng (nay là Học viện Chính trị khu vực III) chỉ mới lấy mốc năm 1961 khi thành lập Trường Đảng Khu V tại huyện Trà My (Quảng Nam) để hướng tới kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển của Phân viện (1961 – 2001). Trong chuỗi hoạt động hướng đến lễ kỷ niệm có chủ trương biên soạn cuốn sử nhằm đánh giá đúng thành tích, quá trình xây dựng và trưởng thành của Phân viện Đà Nẵng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích cho giai đoạn mới. Công trình lịch sử có ý nghĩa này do Ban Giám đốc, Thường vụ Đảng ủy Phân viện chịu trách nhiệm nội dung, các thành viên Ban Giám đốc chỉ đạo biên soạn. Nhóm biên soạn có PGS, TS Nguyễn Văn Chỉnh Phó giám đốc Phân viện, TS Trương Minh Dục Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, đồng chí Trương Quang Thủy Chánh Văn phòng và 3 giảng viên của khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh vừa mới thành lập gồm có TS Ngô Văn Minh, CN Đinh Mạnh Cường và CN Ngô Minh Hoàng. Chính trong quá trình sưu tầm tư liệu để biên soạn đã truy nguyên được lịch sử của Phân viện nếu tính đến năm 2001 không chỉ 40 năm mà là 52 năm, bởi từ năm 1949, thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (01/1949), trong đó có chủ trương thành lập Trường Đảng ở Trung ương và ở các cấp, Liên khu ủy V đã quyết định thành lập Trường Đảng Liên khu V để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các tỉnh thuộc Liên khu, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Còn năm 1961 là năm Khu ủy V quyết định thành lập Trường Đảng khu V nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng trong toàn khu đáp ứng yêu cầu mới của phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, tính đến nay, trong không khí chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến tới kỷ niệm 75 năm xây dựng và phát triển thì Học Viện Chính trị khu vực III nằm trong hệ thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng có chặng đường lịch sử chừng ấy năm, với niềm tự hào về những trang sử riêng của mình đóng góp vào cuốn sử chung của toàn hệ thống Học viện.
Địa điểm đặt Trường Đảng Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp đã được xác định và đặt bia lưu niệm tại thôn Ân Tường, nay thuộc xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định . Thế còn địa điểm đầu tiên của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ đặt tại đâu? Đảng ủy và Ban giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính khu vực III cũng đã có chủ trương xây dựng và làm lễ khánh thành Khu lưu niệm Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam vào năm 2015. Tuy nhiên, được biết đấy cũng chưa phải là địa điểm đứng chân đầu tiên của trường.
Với tinh thần hướng tới lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm truyền thống của Học viện Chính trị khu vực III (1949 – 2024), là một giảng viên và cũng từng là một thành viên trong nhóm biên soạn cuốn Phân viện Đà Nẵng – Quá trình xây dựng và trưởng thành (1949 – 2000), bản thân tôi luôn có niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Học viện, và cũng luôn tự ý thức tìm hiểu, ngõ hầu có thể cung cấp thêm thông tin về những sự kiện lịch sử liên quan đến ngôi trường tiền thân của Học viện hiện nay. Dựa vào tài liệu tôi đọc được, và dựa vào thông tin từ nhân chứng là người có quá trình cống hiến lâu năm tại trường Đảng Khu V, hoặc có biết về Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, tôi xin được bổ sung thêm thông tin về thời điểm cụ thể ra đời và xung quanh địa điểm đầu tiên nơi đứng chân của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ.
- Về thời gian ra đời, trước đây chỉ mới xác định “Đầu năm 1961, Khu ủy V quyết định thành lập trường Đảng Khu V làm nơi đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Đảng trong toàn khu” . Nay nhờ đọc được sách Ban Tuyên huấn khu V anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ , trong đó có hẳn một mục “Trường Đảng của Liên khu V là nơi đào tạo cán bộ cốt cán để lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam từ năm 1961 1975”, cho biết Thường vụ Liên khu ủy giao trách nhiệm cho Ban Tuyên huấn sớm hình thành Tiểu ban Huấn học để lo nội dung, chương trình mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện trong toàn Liên khu.
- Lãnh đạo ban đầu của trường là đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, Thường vụ Liên khu ủy, Trưởng ban Tổ chức Khu ủy phụ trách, còn trực tiếp là đồng chí Trương Công Huấn, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Liên Khu ủy V lãnh đạo chung. Giảng viên của trường là các đồng chí trong Ban Thường vụ Liên khu ủy trực tiếp lên lớp. Sau hơn 2 tháng xây dựng, lễ khai giảng của Trường được tổ chức vào ngày 4.5.1961.
- Chương trình nội dung giảng dạy bấy giờ gồm 4 phần: (i), Phần lý luận: Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác, Ăngghen; (ii) Phần chính trị: Tinh thần nội dung Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về cách mạng ở miền Nam, Nghị quyết tháng 2/1961 của Liên Khu ủy V về xây dựng và phát triển căn cứ và lực lượng cách mạng của Liên khu trong tình hình mới; (iii) Phần nội dung công tác: Công tác dân vận, tuyên truyền đường lối cách mạng cho quần chúng và nội dung phương châm đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang và binh vận; (iv) Phần rèn luyện đạo đức cách mạng và khí tiết của người cộng sản. Học viên của trường gồm các tỉnh thuộc liên khu V từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, Lâm Đồng và ba tỉnh Tây Nguyên, nhưng do phải vượt qua đường rừng hiểm trở, lại bị địch phong tỏa nên khóa I mặc dù số lượng các tỉnh đăng ký 60 người nhưng chỉ có 30 người đến nhập học.
- Về địa điểm đứng chân đầu tiên của Trường Đảng khu V, khi biên soạn sách Phân viện Đà Nẵng – Quá trình xây dựng và trưởng thành (1949 – 2000), đọc hồi ký của cán bộ lãnh đạo trường và những cán bộ là giảng viên trực tiếp đứng lớp của trường chúng tôi chỉ được biết là: “Khi thành lập trường đóng tại một khu rừng già thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến tháng 3 năm 1963, trường chuyển về đóng địa điểm dưới chân núi Ngọc Linh, trên yên ngựa của một ngọn núi thuộc làng Tu Du, tỉnh Kon Tum” . Bấy giờ, do phải khẩn trương biên soạn để kịp chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đảng Khu 5 và cũng do không có điều kiện để đi xác minh một cách cụ thể địa điểm mà 40 năm trước trường đứng chân nay là nơi nào nên nhóm biên soạn cũng chỉ dừng lại với những thông tin có được như đã dẫn.
Nay sách Ban Tuyên huấn Khu V Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cho biết cụ thể hơn về địa hình và cấu trúc của ngôi trường: “Trường xây dựng trên một vùng đất có hình dáng như một yên ngựa nằm phía đông bắc con sông tranh, thuộc xã Tu Du, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu trường được xây dựng trên vùng đất bằng phẳng, hội trường lớp học nằm trung tâm, bốn bề là khu nhà ở của học viên và cán bộ, văn thư đánh máy, giáo vụ, có phòng đón tiếp và nơi nghỉ của lãnh đạo khu đến lên lớp, nhà ăn cách trường 70m nằm bên bờ suối”. Mặt khác, cả 2 đồng chí Hồ Nên, nguyên Phó phòng Quản lý đào tạo và đồng chí Nguyễn Hồng Tân, nguyên Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Học viện Chính trị khu vực III đã nghỉ hưu cũng cho biết Trường Đảng Khu V nhiều lần di chuyển địa điểm đứng chân, có khi xuống Bắc Trà My hiện nay, có khi đến Làng Hồi (huyện Phước Sơn), có khi sang huyện Hiên (nay là hai huyện Đông Giang và Tây Giang), cũng có khi chuyển xuống tận xã miền núi của huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện Núi Thành) rồi lại có thời gian (1965) quay về đứng chân tại làng Tu Nất thuộc vùng núi Trà My.
Vậy, địa danh Tu Du, nơi đứng chân ban đầu của trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ nay ở đâu?
Qua liên hệ với đồng chí Nguyễn Văn Cẩn Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My và đồng chí Ngô Tấn Lạc Chủ tịch xã Trà Cang thì địa danh Tu Du là tên làng chứ không phải tên xã, và làng này của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Trà Cang, huyện Nam Trà My chứ không phải ở tỉnh Kon Tum. Xã Trà Cang hiện có 5 thôn 30 làng. Thôn 1 gồm 8 làng, thôn 2 gồm 4 làng, thôn 3 gồm 8 làng, trong đó có làng Tu Du, thôn 4 gồm 3 làng, thôn 5 gồm 7 làng, trong đó có làng Tu Nất. Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn đã rất nhiệt tình tìm hỏi giúp những thông tin ban đầu về ngôi trường và cho biết hiện nay có đồng chí Hồ Văn Ny, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, người làng Tak Râng thôn 2 xã Trà Cang là người biết về nơi đứng chân đầu tiên của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, có 2 lần Trường Đảng Khu V đứng chân tại địa bàn xã Trà Cang, huyện Nam Trà My hiện nay. Lần đầu tiên khi thành lập năm 1961 đặt tại làng Tu Du, lần thứ hai vào năm 1965 đặt tại làng Tu Nất.
Kiến nghị: Thời gian thành lập và địa điểm đứng chân đầu tiên của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ là một mốc son cho một chặng đường (1961-1975) trong những chặng đường lịch sử vẻ vang của Học viện chính trị khu vực III.
Với những thông tin mà bản thân tôi đọc được từ sách Ban Tuyên huấn Khu V Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cũng như qua liên hệ điện thoại trao đổi, nhờ hai đồng chí Nguyễn Văn Cẩn và Ngô Tấn Lạc ở huyện Nam Trà My tìm hiểu trước, và hai đồng chí này sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Học viện đến xác minh thông tin tại địa phương, tôi có hai kiến nghị sau đây với Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III.
- Một là, trực tiếp đặt vấn đề với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My và Ủy ban nhân dân xã Trà Cang tạo điều kiện để Học viện cử cán bộ có chuyên môn đến thu thập, xác minh thông tin, xác định cụ thể nơi đứng chân đầu tiên của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Trên cơ sở đó có thể đặt vấn đề cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử “Nơi ra đời của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ – tiền thân của Học viện Chính trị khu vực III”, hoặc đặt vấn đề với cơ quan chức năng cho dựng Bia lưu niệm nơi ra đời của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ.
- Hai là, cử cán bộ chuyên môn gặp gỡ những vị lão thành đã từng công tác tại trường Đảng Khu V để thu thập thêm thông tin về những nơi đứng chân của trường kể từ sau điểm đứng chân đầu tiên năm 1961 để lập thành sơ đồ Những địa điểm đứng chân mở lớp của Trường Đảng Khu V trong kháng chiến chống Mỹ đặt tại Nhà Truyền thống của Học viện chính trị khu vực III.
- Ba là, khi có điều kiện tái bản hoặc bổ sung lịch sử của Học viện Chính trị khu vực III, cần đính chính một số chi tiết như đã dẫn (khi đã được xác minh) và bổ sung thêm những thông tin về Trường Đảng Khu V trong sách Ban Tuyên huấn Khu V Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cũng như qua thu thập thêm thông tin từ các vị lão thành của Trường./.