MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG,THỰC HIỆN VĂN HÓA ỨNG XỬ TRƯỜNG ĐẢNGTẠI HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC III

Đối với Học viện Chính trị khu vực III, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Đảng và Nhà nước ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ứng xử có văn hóa trong Nhà trường không chỉ có sức lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học mà còn có sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các địa phương và toàn xã hội. Giá trị của văn hóa Trường Đảng được biểu hiện khá đa dạng, được cụ thể hóa thành các chuẩn mực, quy tắc trong ứng xử với công việc, với đồng nghiệp, học viên, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Nhà trường với các cơ quan, đơn vị, với xã hội và nhân dân. Trong ứng xử của cán bộ, giảng viên với công việc, có thể nhận thấy tinh thần, thái độ nghiêm túc, hăng say trong nghiên cứu khoa học; là sự tâm huyết với từng bài giảng; cẩn trọng với từng câu chữ; trách nhiệm với từng lời nói, hành động, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong cơ quan, tổ chức. Xây dựng, thực hiện văn hóa Trường Đảng có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mục tiêu xây dưng Học viện ngày càng vững mạnh, uy tín.

Nhân kỷ niệm 75 năm truyền thống Trường Đảng Khu V – Học viện Chính trị khu vực III, tôi có một vài suy nghĩ, đề xuất đối với việc thực hiện văn hóa Trường Đảng như sau:

Tích cực thể hiện vai trò nêu gương trong ứng xử của đội ngũ cán bộ tham mưu, lãnh đạo, quản lý, thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Đối với công việc: Mỗi cán bộ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý cần không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành; đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân; không ngừng nghiên cứu học hỏi, tích lũy tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chịu trách nhiệm về lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách; trung thực, khách quan trong báo cáo; tôn trọng và chấp hành sự phân công của lãnh đạo cấp trên; đề xuất, đóng góp ý kiến và tham mưu hiệu quả đối với lĩnh vực mình đảm trách; bao dung, tôn trọng, gương mẫu về đạo đức lối sống; dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; bố trí, sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của cấp dưới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát công việc và đánh giá khách quan việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ cấp dưới.

Mỗi đơn vị, cá nhân cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ, mỗi đơn vị, cá nhân cần phối hợp một cách khoa học, chặt chẽ, đặt lợi ích chung của Học viện lên hàng đầu; phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc giữa các cá nhân, đơn vị là một trong những thực tế tồn tại trong không ít công sở hiện nay và tại Học viện ít nhiều vẫn còn tồn tại vấn đề này.

Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ có quy định: “Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền”. Học viện cần rà soát các quy chế, quy trình công tác để xác định, phân công chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân một cách khoa học, cụ thể hơn; quán triệt cán bộ, giảng viên xác định đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; thẳng thắn bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc. Nếu không có sự phân định chức năng nhiệm vụ cụ thể, hợp lý, khoa học sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong chỉ đạo, điều hành; ách tắc, chồng chéo trong tổ chức triển khai, phối hợp; né tránh, đùn đẩy trong thực thi, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công tác và môi trường công sở.

Cẩn trọng từ trong nhận thức tới hành vi để góp phần xây dựng môi trường văn hóa Trường Đảng, văn hóa Đảng 

Có không ít người cho rằng môi trường Học viện là “môi trường chính trị” nên việc giao tiếp, ứng xử “kiểu chính trị” – tức là “mưu mẹo”, “thủ đoạn, “bè phái”, “triệt hạ nhau” không có gì là lạ. Thật ra đó là một nhận thức sai lệch, dẫn tới những ứng xử không phù hợp. Môi trường Học viện trước tiên là môi trường giáo dục, môi trường công sở. Ngay cả ở các nước tư bản phương Tây, đa đảng, “môi trường chính trị” hay “chính trường” chỉ dùng để nói về sinh hoạt đảng phái và trong bộ máy chính quyền, phân biệt hết sức rạch ròi với môi trường công sở. Họ kịch liệt phản đối “hành vi chính trị” trong môi trường công sở. Quan hệ ứng xử “kiểu chính trị” theo quan điểm nói trên hoàn toàn xa lạ và không phù hợp với văn hóa Đảng, văn hóa Trường Đảng ở nước ta và cần phải được loại bỏ từ trong nhận thức tới hành vi. Chúng ta cũng cần ngăn chặn, các biểu hiện dễ dãi, tùy tiện trong lời ăn tiếng nói: nói trống không, cộc lốc, nói to, cười lớn, sử dụng ngôn từ thô tục nơi công sở; quát nạt cấp dưới, người ít tuổi hơn; hoặc ở thái cực ngược lại là lạm dụng mỹ từ, câu chữ khoa trương để khen, nịnh cấp trên, báo cáo tô vẽ, phóng đại thành tích cá nhân, đơn vị, …

Cuộc sống sẽ tươi đẹp và có giá trị biết bao nếu chúng ta nở một nụ cười và bắt đầu giao tiếp bằng một nụ cười, nó sẽ là một sự khởi đầu và là ấn tượng tốt đẹp nhưng đó không phải và không nên là “nụ cười chính trị, giả dối” mà là nụ cười thân thiện, cởi mở, chân thành, bao dung. 

Coi trọng và thực hiện tốt ứng xử văn hóa giữa giảng viên, chủ nhiệm lớp, cán bộ phục vụ với học viên và ngược lại

Cán bộ, giảng viên khi ứng xử với học viên cần có thái độ lịch sự, đúng mực trong giao tiếp, tôn trọng lắng nghe ý kiến của học viên; là tấm gương về đạo đức cách mạng, về lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, về kiến thức, tác phong và phương pháp….Về phía học viên, cần có thái độ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử, tôn trọng giảng viên, giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ phục vụ; cầu thị trong trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp… Thời gian quan, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp mắc sai phạm trong thực thi nhiệm vụ, suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống. Những người này chắc chắn không phải chỉ vừa suy thoái, biến chất, vừa vi phạm thì bị phát hiện, xử lý mà đó là hệ quả của cả một quá trình lâu dài, từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí từ vị trí thấp ở cơ sở cho đến khi luồn sâu, trèo cao lên những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền. Môi trường Học viện có vai trò quan trọng không chỉ đào tạo, bồi dưỡng tri thức lý luận, kỹ năng lãnh đạo, quản lý mà còn là nơi rèn luyện, bồi đắp lý tưởng, lập trường chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ các địa phương, có thể góp phần định hướng, uốn nắn những lệch lạc nếu có đối với những cán bộ, đa phần còn khá trẻ, đang được quy hoạch cho những vị trí cao hơn, quan trọng hơn trong hệ thống chính trị. Do đó, sự chuẩn mực, gương mẫu của thầy cô sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng củng cố niềm tin, lý tưởng cho học viên; là tấm gương giúp học viên tự soi, tự sửa để ngày càng hoàn thiện bản thân. 

Xây dựng môi trường làm việc và học tập chuyên nghiệp, thân thiện, nhân văn, đoàn kết.

Trường Đảng là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng của Đảng, Nhà nước, là nơi có và cần phải có những người thầy đáng kính, những nhà khoa học mẫu mực. Do vậy, phải luôn giữ vững nguyên tắc “lấy công việc làm trọng”, không để những việc vặt vãnh cá nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Sẽ không thể có một Trường Đảng văn hóa nếu trong nội bộ luôn tồn tại những căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên; cấp trên đề phòng cấp dưới; tụ tập, gây bè cánh, thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, thấy lợi cho mình thì im lặng, lợi cho người khác thì xăm soi; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Đó là những biểu hiện và nguyên nhân của sự tiêu cực gây chia rẽ khối đoàn kết, nên cần phải loại trừ tận gốc rễ. 

Coi trọng thực hiện văn hóa tự phê bình và phê bình

Cán bộ, giảng viên Trường Đảng phải tuân thủ nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mấu chốt của tự phê bình và phê bình là “phê bình việc, chứ không phê bình người” để giúp nhau tiến bộ; phê bình tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, mượn phê bình để lấy lòng hay triệt hạ nhau; phê bình phải tôn trọng thực tế khách quan, công tâm, thẳng thắn, không nghi ngờ, vội vàng quy kết cho đồng chí mình, đừng vì thích thì tốt, không thích và trái ý mình thì xấu, thì sai; phê bình phải công khai, tránh tình trạng trước mặt thì không nói nhưng lại soi mói sau lưng; phê bình cũng giống như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, tế nhị, phải thân ái trên tinh thần đồng chí, đồng nghiệp.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Lãnh đạo Học viện và các đơn vị trong quá trình thực hiện văn hóa Trường Đảng; quán triệt và thực hiện nghiêm các Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện Quy định về văn hóa công sở của Học viện Chính trị khu vực III. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, viên chức, người lao động về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công vụ trong các mặt công tác của đơn vị. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hằng năm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của Học viện. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, viên chức, người lao động có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.

Hai là, chú trọngđổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cần hoàn thiện, nâng cao kỹ năng xây dựng tầm nhìn, chương trình, kế hoạch và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện công việc; kỹ năng tổ chức hội họp, kỹ năng truyền thông, đối ngoại, … Đối với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cần nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng phương pháp nghiên cứu, giảng dạy; chú trọng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để có thể làm việc tốt trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ, viên chức Văn phòng, các Ban, Trung tâm, trước hết cần nâng cao kỹ năng tham mưu, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, kỹ năng giao tiếp, …

Ba là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng môi trường công tác chuyên nghiệp, kỷ cương, nhân văn, thân thiện. Lãnh đạo Học viện và mỗi đơn vị cần quan tâm sâu sát đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, viên chức, người lao động, kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích, kết quả công tác tốt; nhắc nhở, phê bình các trường hợp vi phạm; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đồng chí có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, …; kịp thời phát hiện các vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ đơn vị đề có hướng giải quyết hợp lý, tránh để xung đột, mâu thuẫn nhỏ bị tồn đọng, dồn nén ảnh hưởng đến môi trường quan hệ, công tác trong đơn vị và tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị cần trung thực, kịp thời trong báo cáo, phản ánh với lãnh đạo Học viện về tình hình đơn vị, từ đó giúp lãnh đạo Học viện có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp, nhất là trong trường hợp đơn vị gặp khó khăn hay trong đơn vị tồn tại các vấn đề về đoàn kết nội bộ, xung đột, mâu thuẫn cá nhân./.

Bài viết liên quan

VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẢNG

VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẢNG

Lịch sử của quốc gia luôn trường tồn. Lịch sử của dân tộc luôn vĩ đại. Lịch sử của trường Đảng mang tên Bác luôn là điểm tựa, là niềm