(HCMA3) – Trong suốt hành trình 75 năm, trải qua nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau, Học viện Chính trị khu vực III luôn xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trình độ cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Bề dày truyền thống
Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 (ngày 14 – 18.1.1949) chủ trương thành lập Trường Đảng ở Trung ương và ở các cấp để đào tạo, huấn luyện cán bộ. Năm 1949, Liên khu ủy Khu V quyết định thành lập Trường Đảng Liên khu V (tiền thân của Học viện Chính trị khu vực III), đóng tại thôn Ân Tường (nay thuộc xã Ân Tường Đông), huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Học viện Chính trị khu vực III đã trải qua nhiều tên gọi, từ Trường Đảng Liên khu V, Trường Đảng khu V (1949 – 1976); Trường Nguyễn Ái Quốc IV, Trường Tuyên huấn Trung ương II (1976 – 1983); Trường Nguyễn Ái Quốc III, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực III (1983 – 1993); Phân viện Đà Nẵng (1993 – 2005); Học viện Chính trị khu vực III (2005 – 2008), Học viện Chính trị Hành chính khu vực III (2008 – 2014), Học viện Chính trị khu vực III (từ 2014 đến nay). Trường Đảng Liên khu V đã vinh dự được các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp phụ trách, lãnh đạo; tiêu biểu như các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Học viện Chính trị khu vực III đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, đánh dấu chặng đường vẻ vang trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Học viện hiện có 21 đơn vị trực thuộc, bao gồm 15 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa – Trường Sa (đơn vị đặc thù trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và 6 đơn vị chức năng. Học viện có 201 viên chức, người lao động, trong đó có 92 giảng viên.
Theo TS Trương Thị Như Yến, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, từ năm 2005 đến nay, Học viện đã phối hợp với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên đào tạo 482 lớp Cao cấp lý luận chính trị với trên 33.870 học viên; 9 lớp hoàn chỉnh chương trình Cao cấp lý luận chính trị với trên 600 học viên; 87 lớp bồi dưỡng các chức danh và dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý với trên 7.320 học viên.
Từ năm 2020 đến nay, Học viện đã tuyển sinh đào tạo Cao cấp lý luận chính trị cho 557 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh Bình Định (trong đó hệ tập trung có 277 học viên, hệ không tập trung có 280 học viên).
Phát triển vượt bậc về lượng và chất
Thời gian gần đây, Học viện Chính trị khu vực III không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên – lực lượng góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Theo PGS.TS Đoàn Triệu Long – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, đội ngũ giảng viên được chuẩn hóa về trình độ, năng lực, thường xuyên được cập nhật, bồi dưỡng chuyên môn. Trong 4 năm qua, Học viện đặc biệt chú trọng đến việc cử giảng viên tham gia các khóa nghiên cứu sinh, kết quả đã có thêm 8 tiến sĩ, hiện còn 12 nghiên cứu sinh. Đến hết năm 2025 sẽ có thêm 20 tiến sĩ, đội ngũ tiến sĩ được bổ sung sẽ là thế mạnh của Học viện.
Cùng với đó, Học viện rất quan tâm đến cơ sở vật chất; xây dựng không gian xanh- sạch – đẹp, thân thiện, hài hòa, chỉn chu với sân sạch, cây xanh, bóng mát.
Đáng chú ý, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã đưa ra 3 “cú hích”. Thứ nhất là kỷ luật kỷ cương với nhiều cách làm đồng bộ, quyết liệt và bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Cụ thể là ra vào cổng đúng giờ, tắt nguồn điện thoại trước khi vào phòng học; nghiêm túc trong học tập, thi cử, trong sinh hoạt ở ký túc xá. Từ đó, tạo ra nền nếp học ra học, chơi ra chơi, thầy ra thầy, trò ra trò. Đây là một điểm sáng của Học viện.
Thứ hai là tạo dựng phong trào học tập đi đôi với rèn luyện thể chất, với phương châm “Thể thao mang lại sức khỏe, sức khỏe khơi nguồn sáng tạo”. Các thiết chế thể thao được đầu tư đồng bộ, đa dạng; các giải thể thao được tổ chức quy mô, bài bản. Chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe đã trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày của giảng viên và học viên.
Thứ ba là khuyến khích tự học, tự đọc, tự nghiên cứu. Trước đây, học viên chỉ nghiên cứu tại ký túc xá; nay phải nghiên cứu ở Trung tâm Thông tin khoa học, tại phòng học, nếu đi nghiên cứu thực tế phải đăng ký theo chủ đề. Tự học đi vào chiều sâu, học viên có ý thức hơn trong việc đọc sách, chuẩn bị tài liệu.
“3 “cú hích” này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả các chương trình hoạt động, công tác đào tạo của Học viện Chính trị khu vực III và được toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên tích cực thực hiện. Nhờ vậy, đã trở thành đòn bẩy tạo ra những chuyển biến thật sự về lượng và chất, về hình thức lẫn nội dung”, PGS.TS Đoàn Triệu Long khẳng định.
“Tôi rất tâm đắc với truyền thống về giữ gìn chuẩn mực của nhà giáo trong mối quan hệ với học viên, để Trường ra Trường, Thầy ra Thầy và Trò ra Trò, trước khi chúng ta nói đến điều to tát hơn là xây dựng văn hóa Trường Đảng”.
TS TRẦN TĂNG KHỞI, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Đảng
“Với các lớp cao cấp lý luận chính trị, chúng tôi cho rằng việc cung cấp kiến thức mới, kỹ năng sâu là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra sau đó là mỗi học viên phải vận dụng được những kiến thức, kỹ năng ấy vào công việc thực tế của mình để tạo ra chuyển biến thật sự. Do đó, các giờ học luôn chú trọng khâu trao đổi, thảo luận, thậm chí là tranh luận, phản biện”.
TS VÕ VĂN LỢI, Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị
“Học cao cấp lý luận chính trị tập trung với học viên đến từ 13 tỉnh, thành ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên là cơ hội để mỗi người có thêm hiểu biết về nhiều vấn đề thực tiễn ở các ngành, lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Từ đó, cùng với kiến thức từ thầy cô, sách vở, mỗi người sẽ có được “hành trang” phong phú hơn”.
Học viên ĐOÀN THỊ PHƯỢNG, lớp K75A56.3
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Dẫn nguồn: https://baobinhdinh.vn/)