Đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận phải là lực lượng tiên phong.
Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ đó, Học viện Chính trị khu vực III luôn coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng cam go, phức tạp đó.
Quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22-10-2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Nghị quyết số 35-NQ/ĐUngày 28/2/2020của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Kế hoạch số 18- KH/HVCTQG ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”;Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Học viện thành lập Ban Chỉ đạo 35, Tổ giúp việc, nhóm các nhà khoa học, đội xung kích để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Ban chỉ đạo 35 xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt đến các chi bộ, các đơn vị, cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học về nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện trong tình hình mới.
Ngày 18 tháng 8 năm 2020, Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực III ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/ĐU về tăng cường đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị khu vực III đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Đối mới công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn lý luận với thực tiễn, trong đó, đặc biệt chú trọng việc bảo vệ nền tảng tư tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Trên cơ sở Nghị quyết chuyên đề 09-NQ/ĐU, cán bộ, giảng viên đã nghiêm túc, tích cực thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các quan điểm chống phá Đại hội XIII của Đảng vào trong giảng dạy chương trình Cao cấp lý luận chính trị. Ngay sau buổi Lễ khai giảng các khóa học mới, lãnh đạo Học viện đều tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho toàn thể học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị.
Đến nay, trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đều thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào bài giảng. Nhiều nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được các giảng viên lựa chọn lồng ghép, tích hợp vào nội dung bài giảng; có thể kể đến như: Các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; xuyên tạc, phủ nhận sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản, kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc với CNXH trong cách mạng Việt Nam. Các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc đường lối đổi mới đất nước; đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Các quan điểm xuyên tạc về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam; xuyên tạc đường lối quốc phòng, an ninh, chủ trương, chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo; xuyên tạc những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới;…
Các giảng viên trong quá trình lên lớp vừa giúp học viên nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch; vừa tổ chức, hướng dẫn cho học viên tham gia trao đổi, thảo luận, xác định nội dung và lựa chọn hình thức, biện pháp, đề xuất luận cứ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động, thù địch. Sau khi trao đổi, thảo luận, giảng viên đều có những nhận xét, đánh giá và kết luận rõ ràng để thống nhất nhận thức cho người học.
Việc lồng ghép, tích hợp nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong kiểm tra, đánh giá kết thúc môn học cũng được nhiều đơn vị giảng dạy triển khai thực hiện. Đa phần các đề thi kết thúc môn học đều có sự lồng ghép, kiểm tra về kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư tưởng và ý thức trách nhiệm của học viên trên mặt trận tư tưởng.
Để đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc về tình hình an ninh chính trị, xã hội ở Tây Nguyên, Học viện đã tổ chức biên soạn các chuyên đề ngoại khóa với chủ đề: (1) Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; (2) Phòng ngừa, xử lý “điểm nóng” chính trị – xã hội ở miền Trung và Tây Nguyên; (3) Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam,… để giảng dạy cho các lớp Cao cấp lý luận chính trị.
Trong nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Học viện, Ban Chỉ đạo 35 Học viện đã tổ chức triển khai cho nhóm các nhà khoa học về công tác 35 thực hiện tư vấn, góp ý, đề xuất các nhiệm vụ khoa học gắn với công tác đấu tranh tư tưởng. Ban Chỉ đạo 35 Học viện đặt hàng các nhiệm vụ khoa học cung cấp luận cứ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới cho các nhà khoa học trong và ngoài hệ thống Học viện.
Học viện đã triển khai cho cán bộ, giảng viên, đơn vị giảng dạy và các Ban chuyên môn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học dưới các hình thức đề tài khoa học, hội thảo khoa học, tọa đàm hướng trọng tâm vào nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Từ năm 2018 đến nay, Học viện đã triển khai 34 đề tài phục vụ cho công tác 35. Nhiều đề tài đã cung cấp các luận cứ khoa học cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiêu biểu như Đề tài cấp nhà nước: Nghiên cứu tổng kết lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và đề xuất, bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới. Đề tài cấp nhà nước: Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ. Đề tài cấp Bộ trọng điểm: Thể chế, cơ chế đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật. Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp cơ sở: Chương trình nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa. Đề tài cấp cơ sở: Vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái hiện nay. Đề tài cấp cơ sở trọng điểm: Học viện Chính trị khu vực III với việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối trong giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện Chính trị khu vực III;…
Học viện đã triển khai tổ chức nhiều cuộc hội thảo liên quan trực tiếp đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiêu biểu đó là các hội thảo: Nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Học viện Chính trị khu vực III với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay – Những vẫn đề lý luận và thực tiễn; Công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong vấn đề biển Đông, chủ quyền biển đảo Việt Nam qua thực tiễn các tỉnh Duyên hải miền Trung; Di sản V.I.Lênin – Giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam; Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ (1954-2024) – 70 năm nhìn lại.
Ngoài ra, Học viện còn triển khai các buổi tọa đàm khoa học cấp khoa và liên khoa về thực hiện Nghị quyết 35; trong đó, đã tổ chức 03 tọa đàm khoa học liên khoa về vận dụng Nghị quyết 35 vào giảng dạy các môn học thuộc chương trình Cao cấp lý luận chính trị.
Để gắn nghiên cứu khoa học với tổng kết thực tiễn trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về dân tộc, tôn giáo, Học viện đã đặt hàng cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk; Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, xây dựng 04 chuyên đề phục vụ cho công tác 35 gồm: (1) Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ sớm, từ xa, ngăn ngừa chiến tranh trên Biển Đông; (2) Xây dựng thế trận lòng dân đảm bảo an ninh biên giới ở Tây Nguyên; (3) Giải quyết vấn đề tôn giáo đảm bảo an ninh biên giới ở Tây Nguyên; (4) Đấu tranh ngăn chặn địch âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá ở Tây Nguyên.
Học viện đã tích cực hưởng ứng, tham gia đầy đủ các cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Năm 2021, Học viện có 134 bài tham gia dự thi (77 bài chính luận khoa học trên tạp chí và 57 bài viết trên báo điện tử). Kết quả, Học viện đạt giải tập thể xuất sắc; 04 giải cá nhân (02 giải C; 01 khuyến khích; 01 giải triển vọng). Năm 2022, có 183 bài dự thi và đạt 04 giải B; 04 giải Khuyến khích. Năm 2023, chọn lựa 182 trên tổng số 233 bài để gửi dự thi (trong đó, 91 bài thuộc thể loại Tạp chí, 52 bài thuộc thể loại Báo in, 39 bài thuộc thể loại Báo điện tử). Kết quả đạt 01 giải B, 01 giải C, 01 giải khuyến khích. Năm 2024, Học viện đã chọn 100 bài trên tổng số 159 bài dự thi (105 bài tạp chí, 17 bài báo in, 36 bài báo điện tử, 01 clip).
Ngoài ra, cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị khu vực III chủ động, tích cực tham gia viết bài về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đăng trên các tạp chí quốc gia, website Việt Nam Thịnh vượng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Cổng thông tin điện tử của Học viện. Từ năm 2020 đến nay, cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học Học viện đã công bố gần 400 bài viết về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Tổ chức và hoạt động của đội công tác 35 trên không gian mạng thông qua Fanpage Những Ngọn lửa nhỏ, Group facebook Những Ngọn lửa nhỏ với gần 1400 tài khoản thành viên tham gia viết bài, đăng tin và tương tác lan tỏa trên mạng xã hội những thông tin tích cực nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu, quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Tạp chí Sinh hoạt lý luận đã đăng tải hơn 228 bài trên 03 chuyên mục: “Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống”, “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Có thể thấy, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III được tổ chức chặt chẽ, thống nhất, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện nên kết quả đạt được trong thời gian qua là rất lớn.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giúp cán bộ, giảng viên, học viên và nhân dân nhận thức rõ về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Giúp cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của bản thân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thù địch; từ đó, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tập thể, đơn vị, cán bộ, giảng viên, học viên vào cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực hiện công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần nâng cao toàn diện cả về tri thức, tư duy khoa học, phẩm chất chính trị, đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, khả năng tổ chức đấu tranh cho cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Đối với học viên, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thông qua học tập chương trình Cao cấp lý luận chính trị góp phần hình thành, bồi dưỡng năng lực tư duy chính trị, tư duy lý luận; củng cố năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận và tạo sự miễn dịch trước các quan điểm sai trái.
Đặc biệt, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban chỉ đạo 35; sự gương mẫu, nỗ lực cố gắng của cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Góp phần vạch trần các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc và những âm mưu thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; chấn chỉnh, khắc phục những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm trong cán bộ, đảng viên. Cung cấp, trang bị luận cứ, biện pháp để cán bộ, đảng viên, nhân dân đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Góp phần khẳng định, tuyên truyền, bảo vệ tính đúng, bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác -Lênin; bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện III còn có một số hạn chế sau:
Về công tác giảng dạy, một bộ phận giảng viên, học viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Một số giảng viên chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến việc nâng cao tính đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chuẩn bị giáo án và giảng dạy trên lớp. Việc chuẩn bị bài giảng của một số giảng viên mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu những quan điểm sai trái mà chưa quan tâm đếnđịnh hướng chính trị, tư tưởng, thống nhất nhận thức. Vẫn còn một số giảng viên trong quá trình lên lớp chưa thường xuyên đề cập đến những quan điểm sai trái, thù địch hoặc nếu có đề cập, việc phân tích, luận giải, đưa ra luận cứ để giải quyết vấn đề lạithiếu thuyết phục.
Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thông qua thảo luận, trao đổi tạo hứng thú cho người học; tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này ở một số giảng viên chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều giờ thảo luận chưa tạo ra không khí tranh luận sôi nổi, cũng như không kích thích được tư duy tìm tòi, phát hiện, chủ động của học viên trong đấu tranh với những quan điểm sai trái mới. Một số giảng viên tổ chức thảo luận, nhưng khi neo chốt, kết luận vấn đề là chưa rõ ràng để thống nhất nhận thức, định hướng tư tưởng. Thậm chí trước một số câu hỏi khó của học viên, một số giảng viên đã không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục. Một số chủ đề thảo luận tính khoa học, tính định hướng chính trị, tư tưởng chưa cao.
Về nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp các luận cứ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Học viện. Chất lượng của một số công trình nghiên cứu chưa cao, chưa cung cấp được nhiều luận cứ khoa học có giá trị lớn để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vai trò đầu tàu cũng như kết quả nghiên cứukhoa học của các nhóm nghiên cứu khoa học chuyên sâu của Ban 35 Học viện về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa phát huy hiệu quả được nhiều.
Từ những kết quả đạt được và chưa được về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địchtrong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III, bước đầu rút ra mấy kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học và học viên về tầm quan trọng của đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III được đa phần cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học và học viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nhiệm vụ này trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, học viêncó biểu hiện của “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị”, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và tính cấp thiết của nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.Một số cán bộ, giảng viên và học viên còn nhận thức giản đơn về công tác tư tưởng. Một số ý kiến cho rằng, nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thuộc về các cơ quan chuyên trách, những người làm nghiệp vụ về công tác tư tưởng, lý luận; đối với giảng viên và học viên chỉ làm cho có, không có tác dụng gì,…? Đây là nhữngnhận thức lệch lạc, rất nguy hiểm, cần kịp thời chấn chỉnh, định hướng nhận thức đúng. Do đó, cần tiếp tục tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên. Phải hiểu rõ, nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có nhận thức đúng, mới có thái độ, động cơ đúng, có quyết tâm, hành động tích cực và quyết liệt trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái cho đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học.
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay là rất gay go và quyết liệt, vô cùng phức tạp vì phải đương đầu với những kẻ thù thâm độc, lắm mưu mô, thủ đoạn; chúng đã và đang sử dụng một lực lượng chuyênnghiệp, sử dụng mọi chiêu trò, thủ đọan để xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chống phá Đảng, chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III được đào tạo khá bài bản, có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng trong tình hình mới hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, nhất thiết phải tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải toàn diện, cả trình độ lý luận, kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy; trình độ tin học, ngoại ngữ và kinh nghiệm đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây là giải pháp then chốt, giải pháp của những giải pháp; là nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệmvề thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Đảng ủy, Ban giám đốc, Ban chỉ đạo 35 cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, kế hoạch về lồng ghép, tích hợp nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học. Kiểm tra, giám sát đểnắm rõ ý thức, trách nhiệm và trình độ, năng lực tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các giảng viên, các nhà khoa học. Nắm rõ mức độ hiệu quả của hoạt động đấu tranh, cũng như những bất cập, hạn chếcủa quá trình đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái để có biện pháp điều chỉnh, khắc phục. Cần thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ; phê bình, chấn chỉnh những cá nhân, tập thể không thực hiện đúng chủ trương, kế hoạch; chưa hoàn thànhtốt nhiệm vụ được giao.
Hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III đã góp phần khẳng định, tuyên truyền và bảo vệ vững chắc những giá trị nền tảng tư tưởng; bảo vệ, bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; khắc phục những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Đây là những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018): Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
- 2. Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực III (2020): Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/ĐU, ngày 18/8/2020 Về Tăng cường đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị khu vực III đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
- 3. Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương (2020): Luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- 4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019): Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
- 5. Học viện Chính trị khu vực III (2019): Kế hoạch số 1730-KH/HVCTKV III ngày 09/09/2019 Triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
- 6. Học viện Chính trị khu vực III (2023): Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (2018-2023)